Khi người lái xe dùng ngòi bút để chiến đấu
Dẫu chỉ xem viết là niềm đam mê cho đời mình và cho cuộc sống nhưng đến nay Trương Nhất Vương đã đạt 4 giải báo chí về đề tài An toàn giao thông do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Có những niềm hạnh phúc cho bản thân mình và người khác nảy nở ra, lớn dần lên giữa những trắc trở, đau thương, vấp ngã, bầm rập và cả đe dọa nữa. Hơn 20 năm hành nghề lái xe và dạy lái xe cũng là bấy nhiêu năm miệt mài cầm bút, Trương Nhất Vương (Giáo viên Trường trung cấp nghề VINASME Tây Nguyên) sống với ý niệm này mỗi ngày. Hàng ngàn tác phẩm báo chí, truyện hay thơ của Vương viết ra cũng đều hướng đến một thông điệp róng riết duy nhất: Hãy sống để đừng phải nói hai từ “giá như”.
Dùng cây bút để phản ánh lại thực trạng giao thông
Dùng bút để phản ánh thực trạng giao thông
Tôi biết Trương Nhất Vương hơn 10 năm trước, cuộc trò chuyện đầu tiên kéo dài từ quán cà phê đến phòng tá túc của Vương ở đường Y Ơn (Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Sinh ra từ nông dân, bàn chân quen với cần lao, ngày gã ôm vô lăng, đêm lại đi sục sạo tìm các đề tài liên quan đến sức khỏe và an toàn của con người để viết, có lúc viết ở trạng thái đánh trần trong căn phòng hơn 10 mét vuông bốn mùa nắng gió luồn bên này xuyên qua bên kia. Khi ấy, tôi cứ nghĩ, chắc cũng sở thích bột phát, lóe lên rồi lụi đi nhưng đến nay đam mê viết về thân phận con người, về cách bảo vệ sức khỏe, cách tránh tai nạn giao thông và lái xe an toàn trên đường vẫn như ngọn lửa cháy bền bỉ trong tâm hồn giản đơn, hồn hậu mà thẳng thắn của gã.
Viết chưa chuyên nghiệp và xuất sắc nhưng bằng trái tim luôn tràn căng nhiệt huyết, hàng loạt bài viết của Vương về tiêu cực ở các trạm cân xe, về xách nhiễu trên đường, về những bất cập dẫn đến tai nạn thảm khốc ở Quốc lộ 14, ở đèo Lò Xo… như dùng bằng lái không đúng hạng, tài xế “chơi” ma túy… đã được nhiều tờ báo trong cả nước đón nhận và lan tỏa.
Cũng từ đó điện thoại Vương liên tục đổ về các tin nhắn: Hãy im đi, đừng có viết và đăng báo về tệ nạn trên đường nữa. Nếu không sẽ bị “xử”, bị chém đẹp. Phút xao động trôi qua, Vương vẫn tự nhủ với lòng, dù có ăn rau, có bị bầm dập thân xác cũng phải viết vì mình là người thấu hiểu, nếu không phản ánh thì còn có những tai nạn thảm khốc hơn. Sức khỏe của hành khách lẫn người tham gia giao thông sẽ như chân mềm bên vực thẳm.
Những tin nhắn đe dọa đầy ám ảm chưa kịp thưa đi thì những trắc trở khác lại ập đến. Vợ Vương là nhân viên bán vé xe cùng công ty với anh bị đuổi việc vì… có thai. Thấy lý do quá tàn nhẫn, Vương khiếu nại cho vợ thì chính anh cũng bị đuổi nốt vì cái tội bướng bỉnh. Cuộc sống như rơi vào tận cùng tăm tối, nhưng Vương thủ thỉ vào tai vợ mình: Hãy cứ tin vào cuộc đời, ăn mì, ăn rau cũng được hãy theo anh tìm đến những điểm nóng về mất an toàn giao thông để viết bài cảnh báo đồng thời tìm luôn đến những hoàn cảnh éo le nhất, bệnh tật và kham khổ nhất để viết về họ, để cộng đồng sẻ chia và giúp họ. Hàng tuần, các hoàn cảnh thấm đẫm nước mắt đều được Vương phản ánh trên các báo. Hàng trăm người bệnh đã được hỗ trợ cứu chữa, hàng loạt căn nhà dột nát đã được hỗ trợ xây dựng.
Luôn tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng
Những nụ cười của các thân phận kém may mắn hay sự thấu hiểu ý thức bảo vệ an toàn cho hành khách của người tham gia giao thông với Vương là món quà vô giá. Đã có nhiều tài xế, giã từ tính chạy ẩu, giã từ tính hung hãn với khách sau khi tiếp cận các bài báo của Vương.
Luôn tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng
Cuộc sống luôn hàm chứa những điều bất ngờ, đúng lúc gian truân nhất, lá đơn khiếu nại của vợ chồng Vương được tòa án chấp thuận và tuyên ông giám đốc công ty xe buýt đuổi người hoàn toàn trái pháp luật, phải nhận lại cả Vương và vợ mình làm việc nhưng Vương quyết định rẽ sang một hướng khác là đi làm giáo viên dạy lái xe. Quyết định ấy được Vương lý giải tóm gọn rằng, dạy lái thì sẽ bằng mọi giá đưa vào trí nghĩ của hàng ngàn tài xế tâm huyết làm sao bảo vệ an toàn cho hành khách, an toàn cho người đi đường. Làm giáo viên còn có thể “năn nỉ” học viên của mình đọc các bài báo về an toàn giao thông do mình viết ra, để họ thấm dần mà bảo vệ an toàn cho chính mình và người khác.
Hơn 20 năm cầm lái và dạy lái, Trương Nhất Vương nghiệm ra rằng phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn thảm khốc đều do sự thiếu nghiêm khắc của con người. Mỗi người mới vào nghề phải gặp được người thầy thật nghiêm khắc, tỉ mỉ nhưng tận tình thì mới tồn tại lâu trong nghề lái xe và không dính tai nạn làm tang thương đến hành khách được. Đồng thời, các chủ xe hay chính tài xế cũng phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc đăng kiểm an toàn xe. Mọi lời giảng rút từ các chặng đường mồ hôi, nước mắt đời mình được Vương luôn luôn lặp lại là: Đừng vì một phút bất cẩn mà gây họa cho người khác. Đừng về nôn nóng về sớm một tí mà dẫn đến thương tật, chết người.
Có thời điểm xe quá tải lộng hành ngang dọc mà không bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Cùng với đó là các tuyến đường thiếu hoặc bố trí biển báo bất cập khiến nhiều người đi xe máy lẫn xe ô tô con gặp nạn, người thì gãy chân, người phải sống thực vật vì chấn thương sọ não, Trương Nhất Vương vừa hăng hái phản ánh lên các báo, vừa viết tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ GTVT.
Nhiều chuyến đưa tài xế xe khách đi thực tế đường đèo từ Đăk Lăk đến Khánh Hòa, Vương đều gọi tôi ra để cả đêm có khi chỉ để nghe anh phân tích về cách bảo đảm an toàn cho hành khách trong mỗi chuyến xe với các học viên của mình. Vương bảo: Tôi yêu nghề lái xe, yêu những cung đường nên luôn trăn trở, làm sao bớt đi tai nạn giao thông, làm sao bớt những sách nhiễu dọc đường để người lái xe đỡ căng thẳng, mỗi chuyến đi về an toàn là niềm vui, niềm hạnh phúc cho chính mình và mọi người. Bây giờ là giáo viên dạy lái, mỗi năm đào tạo không biết bao nhiêu tài xế hạng D, hạng E, mình phải chuyển tải hết tâm huyết để bớt đi tai nạn. Nếu giờ dạy trong khung quy định không nói hết tâm huyết thì nói ban đêm, nói ngoài giờ, lặn lội tìm đến nhà học viên để nói cũng được. Cực nhọc đến đâu mà thấy được nụ cười bình an là hạnh phúc nhất rồi. Dạy là phải đi đôi với thực hành, cho học viên của mình tập rèn thực hiện luôn.
Ước mơ đem đến sự an toàn người tham gia giao thông
Ước mơ đem đến sự an toàn cho người tham gia giao thông
Nghiên cứu về nhiều cung đường ở Tây Nguyên, Trương Nhất Vương đúc rút ra rằng: Đặc thù của đường Tây Nguyên là đèo dốc, tầm nhìn hạn chế. Hầu hết quốc lộ chưa đặt dải phân cách giới hạn hai chiều xe chạy riêng biệt, người ta dùng vạch liền nét để chia đường. Gặp vạch này, lái xe không được cho xe lấn qua. Luật là vậy nhưng nhiều tài xế chẳng hề để tâm. Điển hình nhất cho sự lấn vạch là đèo Lò Xo, nơi liên tục xảy ra những tai nạn thảm khốc, mới nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 16/6/2018.
Nếu ai thường xuyên đi trên đèo Lò Xo hay nhiều đèo khác sẽ thấy các tài xế nghĩ ra kiểu hãi hùng là: mỗi khi vào khúc quanh, cửa trước bên phụ sẽ được mở ra, một lơ xe treo người nơi đây để quan sát, báo hiệu xe ngược chiều. Biết bao tai nạn đã xảy ra ở nơi khuất tầm nhìn, những mối hiểm họa khôn lường không thể dự báo, vậy mà các tài xế, nhà xe vẫn chủ quan, coi thường sức khỏe và tính mạng hành khách.
Cẩu thả trong khâu chuẩn bị xe cộ, tận dụng lốp mòn, lốp không đúng kích cỡ, buôn chuyện điện thoại khi cầm lái…cũng là những vấn đề các tài xế cần thay đổi ngay.
Luôn cháy bỏng ước vọng về những cung đường an toàn, bình yên, trong nhiều bài báo của mình, Trương Nhất Vương đều nhắn nhủ rằng: Trong điều kiện bài toán giao thông chưa có lời giải thấu đáo, cặn kẽ, khoa học, mỗi người, mỗi gia đình xin hãy biết sợ tai nạn giao thông và nhắc nhau cẩn thận. Hãy luôn thường trực ý thức mỗi khi ra đường để ý, quan sát để bảo vệ chính sức khỏe và đời sống của mình. Đừng bao giờ quá chủ quan là người ta đã thấy mình bật xi-nhan rồi và phải nhường mình, cũng đừng bao giờ nghĩ rằng xe lớn sẽ nhường xe nhỏ hay ngược lại.
Nguồn: Sức khỏe và đời sống
Tôi là Lê Huy Hoàng chuyên gia đánh giá xe của trang Thế giới Xe Xanh. Tôi chia sẻ tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết của mình về xe cộ, luật giao thông qua các bài viết trên https://thegioixexanh.com