Tâm Sự Lái Xe

Câu chuyện xúc động của bác tài xế mới vào nghề

Lái xe không phải là một nghề nhẹ nhàng, dưới đây là câu chuyện được kể lại từ một thợ lái xe mới vào nghề, gây xúc động mạnh đối với mọi người nghe, để ta có thể hiểu và chia sẻ hơn đối với họ, những người cầm lái rong ruổi trên mọi cung đường…

Nghề lái xe bươn chải

nghe-lai-xe-buon-chai

Nghề lái xe bươn chải

Tôi biết lái xe từ thời học sửa chữa ôtô, nhưng sau ngày đất nước thống nhất lại học và làm một nghề khác. Có lẽ vì duyên nợ với vôlăng nên giữa thời bao cấp, tôi vào Trường Công nhân cơ giới 2 Quảng Ngãi học thêm một khóa nữa. Tôi không nhớ đã lái qua bao đời xe, từ tải nặng, nhẹ cho đến du lịch cũ, mới, cũng không nhớ nổi đã mấy lần đi xuyên Việt, xuyên Lào… Tôi chỉ nhớ một điều dặn lòng: Còn hành nghề là còn đối mặt với hiểm họa bất trắc, sơ sẩy một giây là bao năm gầy dựng hạnh phúc của mình và của người khác sẽ tan theo mây khói. Với tôi, danh hiệu tay lái lụa, lái giỏi là hư ảo. Lái xe an toàn mới là niềm hạnh phúc vô giá trong mỗi chuyến đi.

Hành trang ra Trường

Hành trang ra trường của tôi ngày ấy là những lời dặn dò của nhiều người thầy. Không hiểu sao lúc ấy các thầy hay căn dặn kỹ càng như vậy. Tôi không thể quên câu nói rất nghiêm khắc của thầy dạy môn đạo đức người lái xe lúc chia tay: “Hãy cố gắng giữ cho bánh xe mình thật sạch. Nghề của mình là nghề “múa trứng trên đầu gậy” hoặc “kiếm củi ba năm, đốt một… giây”. Hãy luôn tâm niệm đồng tiền kiếm được dù đã chi tiêu hết vẫn chưa phải là của mình. Cửa nhà giam lúc nào cũng mở hờ nếu bất cẩn một giây và lúc đó của cải bao nhiêu cũng khánh kiệt. Phần đời còn lại là sống trong sự ân hận và ám ảnh về tội lỗi của mình”.

Xem Thêm:  Có thể bạn chưa biết : Lý do cao tốc ở Việt Nam không có đèn

Còn thầy chủ nhiệm thì tâm tình nhẹ nhàng: “Những môn thi của các anh đều đạt điểm cao, ngoài tấm bằng ra thì chưa nói được điều gì. Tốt hay xấu còn ở phía trước. Ở trường lái làm đổ cọc thì dựng lên được, ra đường đụng người là không sửa được. Nhiều bạn cho xe vượt trong lúc có xe ngược chiều đối đầu sát rạt, đồng nghiệp nhường đường, một ngàn lần qua khỏi cứ nghĩ mình là “tay lái lụa”, nhưng chỉ cần lần thứ 1.001 phóng lên thì xe mình trục trặc còn đồng nghiệp thì quên nhường đường… là đời về nơi xa lắm!”.

Và lời thầy dạy thực hành rót vào tai mỗi khi lên ngồi cabin: “Trên đường đi có bao nhiêu người là có bấy nhiêu hoàn cảnh. Tùy theo tâm trạng mà họ đi đứng cũng khác. Người có người thân đang gặp nguy khốn, bệnh hoạn thì hối hả về nhà. Kẻ có vài chén rượu thì không làm chủ được mình. Một con vật hốt hoảng băng qua đường, một quả banh lừ lừ trôi đến thì có nghĩa là vài đứa trẻ chạy theo… Một người đang chở nông sản bên kia chợ thì thế nào họ cũng qua đường… Tất cả tình huống đó tài xế phải biết để làm chủ tay lái. Khi lái xe, tài xế phải huy động mọi giác quan kể cả giác quan thứ sáu – là sự linh cảm. Vì vậy hãy gạt bỏ mọi vương vấn trong lòng vì công việc và vì người khác nữa!”.

Giờ phút đáng nhớ nhất của tôi không phải là ngày nhận bằng lái, mà chính là lúc nhận được “quyết định công nhận đủ năng lực lái xe” do đơn vị cấp sau một năm dài thực tập.

Cả một hội đồng được thành lập gồm thủ trưởng đơn vị, chủ tịch công đoàn, các cán bộ trực tiếp và các lái xe bậc cao… Chúng tôi mỗi người tự đọc bản kiểm điểm của mình. Sau đó, từng vị lần lượt đưa ra nhận xét ưu khuyết điểm rồi biểu quyết. Hồi hộp và lo lắng thật sự trước giờ phút được chính thức bước vào nghề, chính thức được cho phép chạm vào chiếc vô lăng đầy mơ ước…

Xem Thêm:  “Phái đẹp lái xe” không phải là tội ác

Bài học thấm thía đầu đời

Cầm quyết định nhận xe chưa ráo mực thì tôi đã nhãn tiền những lời các thầy dạy trong trường qua một tai nạn thảm khốc, diễn biến ngay tại đơn vị mình.

bai-hoc-tham-thia-dau-doi

Bài học thấm thía đầu đời

Trưa 2-9 trên công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), tiếng dao thớt rộn ràng, mùi thức ăn thơm nức tỏa từ khu nhà tập thể bay khắp công trường. Vui và ồn ào nhất luôn thuộc đội lái xe cơ giới. Họ đảm nhiệm vận chuyển đá hộc từ Tân Lâm về công trường, có điều kiện đi lại, thu nhập cao nên rượu bia bạt ngàn, thức ăn đủ loại.

Hôm đó đội lái xe có một khách lạ. Ấy là một “bóng hồng” cả đám lái xe lâng lâng, ngây ngất, không ai để ý có một chiếc ben Jin- khơ âm thầm chạy ra khỏi công trường. Độ nửa giờ sau N biết người tình mình “mất tích”. Hỏi bảo vệ mới biết một bạn đồng nghiệp đã đưa nàng về Tân Lâm “lót ổ”. Hơi men làm máu ghen bốc lên ngùn ngụt, N như điên dại leo lên xe mình nổ máy “truy kích”.

Nhìn xe N lao vun vút trên đường đê, ben xóc kêu như súng nổ, ông đội trưởng lo ngay ngáy. Nhìn quanh chẳng có ai tỉnh bằng tôi nên ông sai lấy xe chở ông chạy theo. Cố hết sức xe của tôi cũng không sao gần được xe N vì nó là chiếc Volvo-N8 của Thụy Điển, đầu máy nằm phía trước, có hai tầng số, lại chạy không tải trong tình trạng bị kích động. Ra quốc lộ 1A, Ng. cho chiếc xe màu xanh lá mạ của mình gầm phóng về hướng Đông Hà. Chúng tôi bám theo. Qua cầu Ái Tử rồi đến khúc cua Nham Biều.

Xem Thêm:  Bánh mỳ “không người lái” và câu chuyện của anh tài xế

Hai thầy trò không dám tin vào mắt mình trước cảnh tượng rợn người: xe của N điên cuồng phóng chồm hẳn lên một chiếc xe khách 50 chỗ. Một tiếng va chạm khủng khiếp rồi sau đó là tiếng kêu la hoảng loạn của nạn nhân. Khựng một lúc tôi và ông đội trưởng mới trấn tĩnh hô hào các xe trên đường dừng lại, hợp lực cứu nạn nhân. Xác người chất lớp, máu tràn đường lẫn với đậu mè, ngô khoai của bà con vùng Nam Đông về thăm quê cũ. Lẫn trong số người được đưa đi cấp cứu ấy có cả N.

Người ta tìm thấy anh ta sau cùng, rên rỉ nằm lọt thỏm trong một lùm tre gần đó, áo quần vuột hết, toàn bộ người bị trầy xước, một bên gò má bị kính cắt mất. N vẫn còn đủ tỉnh táo chứng kiến cảnh tượng hãi hùng mình gây ra rồi bắt đầu hoảng loạn nói năng nhảm nhí. Nằm bệnh viện ba ngày thì N. chết đột ngột. Trong biên bản khám nghiệm ghi vỏn vẹn ba chữ: Bị sốc thuốc. Còn ông đội trưởng tự trách mình thiếu cảnh giác để N tự tử.

Từ đó đơn vị tôi thiếu vắng hai tài xế, N và kẻ tình địch. Vụ tai nạn này là bài học lái xe đầu đời cho tôi và cho cả đội lái… Không bao giờ được để cảm xúc chi phối khi cầm vô lăng. …

Tác giả: Trần Kiêm Hạ tác giả cuốn sách “Cuộc đời sau tay lái”.

Lê Huy Hoàng

Tôi là Lê Huy Hoàng chuyên gia đánh giá xe của trang Thế giới Xe Xanh. Tôi chia sẻ tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết của mình về xe cộ, luật giao thông qua các bài viết trên https://thegioixexanh.com

Bài Liên Quan

Back to top button