Tâm sự của một tài xế container đường dài: Ế vợ vì không cô nào chịu nổi nghề tài xế này!
Trên những chặng đường đi, tài xế container 34 tuổi này đã gặp không ít tình huống giao thông đầy nguy hiểm, khiến anh phải “toát mồ hôi lạnh” khi nhớ lại, đặc biệt là câu chuyện cách đây 2 năm.
Trở thành tài xế container vì một bộ phim
Anh Trần Duy Điệp, 34 tuổi, quê Nghệ An là tài xế chạy xe container (đầu kéo) chạy chuyến Nam – Bắc. Dù tuổi còn khá trẻ nhưng anh Điệp đã có nhiều kinh nghiệm về những chuyến xe tải hạng nặng đường dài.
Anh lưu giữ vô vàn câu chuyện buồn vui trên cabin của cánh tài xế container. Cơ duyên đưa anh đến với công việc này cũng thật đặc biệt. Anh Điệp chia sẻ: “Năm 2002, sau khi học xong cấp 3, tôi vào Nam tìm việc.
Lúc đó gia đình khó khăn lắm, cứ nghĩ đi Nam kiếm sống chứ cũng không hình dung được sẽ đi đến đâu vì hồi ấy làm gì có điện thoại, Internet phổ biến như giờ để mà tìm hiểu.
Trôi dạt vào Bình Dương, tôi làm công nhân được một thời gian thì bỏ vì không có bằng cấp nên bị chèn ép đủ điều, lương lại thấp.
Với một thanh niên trẻ, con nhà nghèo, một thân một mình vào thành phố mưu sinh, tiền bạc, bằng cấp, mối quan hệ đều không có như tôi thì tình thế thật khó khăn.
Lúc đó tình cờ xem được bộ phim “18 bánh xe công lý”, tự dưng tôi nghĩ nghề lái xe cũng hay. Khi ấy người tôn trọng, ta gọi tài xế là “bác tài”, công việc ổn, thu nhập tốt… thế là tôi xin đi làm lơ xe”.
Chiếc xe tải Kenworth T2000 trong bộ phim “18 bánh xe công lý” đã mê hoặc chàng thanh niên Nghệ An thời ấy. Anh cho hay thời ấy chưa từng hình dung công việc này lại lắm vất vả, nhọc nhằn đến vậy.
Từ lơ xe, anh Điệp dần chuyển sang học làm lái xe và chính thức trở thành một tài xế container đường dài. Từ đó, chuyến xe rong ruổi từ Nam ra Bắc, những chuyến đi xuyên đêm và ngủ trên cabin trở thành cuộc đời, số phận của anh.
“Ế” vợ bởi “không cô nào chịu nổi nghề này”, 5 lần nghỉ việc vì “rùng mình” trước yêu cầu của chủ
Đó là một vài trong rất nhiều nỗi niềm đằng sau công việc mà anh Điệp gọi là nghề “Cơm chợ, vợ đường”.
Đã 34 tuổi, bố mẹ đều mong ngóng một nàng dâu nhưng anh Điệp cho hay, dù đi nhiều nơi, biết nhiều, anh vẫn đôi lúc thấy cô đơn vì thiếu tiếng người.
Ngoài những lúc trò chuyện đôi ba câu với mấy cô gái ở trạm thu phí thì hầu như tài xế chẳng mấy khi nói chuyện với ai. Người này lái xe thì người kia ngủ, thay nhau.
Từng trải qua một vài mối tình, nhưng theo anh Điệp kể thì họ đều nói lời chia tay, phần lớn bởi đặc thù công việc của anh: “Tình yêu của tôi gắn với chiếc điện thoại đời cũ, pin dùng được lâu, đăng ký gói cước nội mạng. Rồi cứ thế gọi nói chuyện, nhắn tin cho bạn gái.
Nhưng ai mà chịu nổi một tình yêu chỉ toàn qua điện thoại, ngày lễ tết người yêu mình nhìn bạn bè được đi chơi, tặng quà, còn mình thì đang ở tận đâu đâu. Dần dần họ bỏ tôi đi tìm hạnh phúc riêng.
Cuộc đời anh Điệp gắn với những bữa cơm đường, cháo chợ nuốt vội.
chỗ dựa tinh thần duy nhất và cũng là động lực cho anh Điệp chính là bố mẹ, gia đình. Thế nhưng với những tài xế đường dài như anh, bữa cơm quây quần, giấc ngủ êm ấm ở nhà cũng là điều xa xỉ.
Trong sự nghiệp ôm lái, anh Điệp không đếm nổi số bữa cơm đường cháo chợ ăn vội, những bữa tối 11-12 giờ đêm mới xong chuyến để ăn, hay giấc ngủ trưa trên cabin ngay giữa trưa hè bỏng rát.
Tuy vậy, những nhọc nhằn ấy vẫn chưa là gì so với áp lực họ phải chịu đựng đến từ phía chủ công ty.
Theo chia sẻ, anh Duy Điệp từng 5 lần xin nghỉ việc ở các doanh nghiệp vì nhận được những yêu cầu “rùng mình”.
“Việc báo đài đưa tin tài xế đường dài nhiều người dùng chất kích thích, gây tai nạn là không oan tí nào.
Là dân trong nghề, tôi biết rõ. Các công ty bỏ vốn ra làm ăn, họ muốn thu lợi nhanh nhất nên thường xuyên ép tài xế chạy hết công suất, liên tục quay vòng, trong khi lộ trình không hề ngắn.
Có những chuyến xe xuyên màn đêm, những cung đường uốn lượn trên đèo, không muốn hút thuốc cũng không được.
Trên cabin xe lúc nào cũng sẵn mấy gói thuốc lá và cả những lon bò húc, cà phê, trà đặc. Cứ nửa tiếng, đêm thì nhanh hơn, cửa sổ xe lại được mở ra, để gạt tàn thuốc lá và phà khói thuốc ra ngoài.
Thuốc lá không đủ, nước bò húc không đủ cho những dịp hàng nhiều, không ít người “liều” dùng chất kích thích”.
Khuôn mặt chai sạm, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ là hình ảnh thường thấy của các tài xế đường dài.
Về phía mình, anh Điệp luôn gồng mình tự nhủ phải tỉnh táo để không sa vào con đường sai trái. Đến nay anh đã xin nghỉ 5 chỗ vì không chịu được áp lực.
Chuyện chưa kể đằng sau những vụ tai nạn và sự miệt thị của xã hội
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn kinh hoàng liên quan đến xe tải, xe container gây chết người hàng loạt khiến dư luận bất an, lo sợ.
Người ta ví con xe container (đầu kéo) như những “hung thần xa lộ”, gây ra tai nạn với hậu quả thảm khốc, trở thành nỗi khiếp đảm của người đi đường. Tài xế container cũng bị nhìn với ánh mắt dè chừng, miệt thị.
Tuy nhiên, có một số vụ việc, nguyên nhân lại đến từ chính sự bất cẩn, thiếu ý thức của các phương tiện khác.
Gần 15 năm trong nghề, anh Duy Điệp từng không ít lần gặp phải va chạm nhớ đời: “Tôi biết nhiều vụ tai nạn do xe container, nhưng mong mọi người có cái nhìn khách quan vì không phải lúc nào lỗi cũng ở chúng tôi.
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi qua địa phận Tĩnh Gia, Thanh Hóa, tôi được các đồng chí Cảnh sát giao thông (CSGT) dừng xe để đo nồng độ cồn.
Xong việc, một anh là Đội trưởng ở đấy có việc nên lên xe tôi quá giang. Đi thêm một đoạn, lúc ấy khoảng 10 giờ sáng, tôi đang chạy với vận tốc 60-70km/h thì bất ngờ phía trước có một chị đi xe máy tạt đầu, qua đường đột ngột không hề xi-nhan, nhìn đường gì luôn.
Quá bất ngờ, tôi biết không thể phanh kịp vì xe nặng và đang chạy khá nhanh, chỉ còn biết giật lái thật mạnh để xe dạt sang bên đường.
Lúc đó chỉ nghĩ được là tránh chị xe máy, chứ hậu quả sau đó không thể lường trước. May sao xe tôi không lật, cũng không ai bị vạ lây.
Khi xe dừng, chính anh Đội trưởng Đội CSGT là người bực tức lao xuống mắng chị đi xe máy một trận, bảo là: “Chị muốn giết người phải không?”.
Lái xe là một nghề Nguy hiểm , nhưng với cánh tài xế đường dài còn gian nan gấp bội. Họ chỉ mong xã hội có cái nhìn thiện cảm và thấu hiểu hơn nỗi niềm của các tài xế.
Dẫu biết nghề nào cũng có áp lực riêng nhưng đối với tài xế container thì áp lực từ nhiều phía và cả những nguy hiểm họ phải đối diện quả thật khó có thể đong đếm, thấu hiểu hết.
Chỉ mong rằng xã hội sẽ có cái nhìn bao dung, khách quan hơn đối với những người đang làm công việc này, để phần nào chia sẻ với họ.
Nguồn: Soha
Tôi là Lê Huy Hoàng chuyên gia đánh giá xe của trang Thế giới Xe Xanh. Tôi chia sẻ tất cả các kinh nghiệm và hiểu biết của mình về xe cộ, luật giao thông qua các bài viết trên https://thegioixexanh.com